Cảng Chân Mây trở thành một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực Miền Trung và Hành lang Kinh tế Đông Tây.
Đây là tuyến thí điểm chuyên vận chuyển hàng cho các doanh nghiệp sản xuất men frit và cristobalite, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí vận tải.
CẢNG CHÂN MÂY, CỬA NGÕ RA BIỂN ĐÔNG
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Chân Mây, mở hàng cho chuyến vận chuyển container nội địa đầu tiên tại cảng Chân Mây vào ngày 04/12 sắp tới là Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (TP. Hải Phòng) với tần suất 01 tuần/chuyến.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cảng biển Thừa Thiên - Huế được xác định là cảng biển loại I.
Trong đó, khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, vùng đông bắc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEUs hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn. Khu cảng Chân Mây đã được Bộ Giao thông vận tải bổ sung công năng khai thác tàu container.
Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Chân Mây cho biết, hiện thống kê có khoảng 200.000 TEUs đang đi ngang qua cảng Chân Mây ra/vào cảng Đà Nẵng từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh của Lào. Nếu sử dụng cảng Chân Mây thay vì cảng Đà Nẵng, sẽ giúp tiết kiệm cho khách hàng khoảng 70 USD/lượt khứ hồi.
Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng ba cầu cảng với tổng chiều dài 910 m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5 - 6 triệu tấn/năm. Hiện tại cảng đang khai thác hai bến với tổng chiều dài 760 m với bến số 1 là 480 m và bến số 2 là 280 m, bảo đảm độ sâu an toàn từ 9,4 m - 12,5 m dưới mặt nước. Hàng năm, cảng Chân Mây xếp dỡ khoảng 3,5 triệu tấn hàng rời như than, xi măng clinker, dăm gỗ, cát, bột sắn... Các tuyến đường giao thông kết nối đến cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư hoàn thiện, khu bến Chân Mây đã được bổ sung công năng khai thác tàu container.
Theo lãnh đạo cảng Chân Mây, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4 - 4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ gia tăng; kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và đông bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20 - 25 triệu tấn/năm.
Trước đó, ngày 09/9/2022, chuyến tàu container tuyến quốc tế đầu tiên của hãng tàu Voyager Logistics SDN BHD quốc tịch Malaysia đã cập cảng Chân Mây, đánh dấu mốc quan trọng trong việc triển khai hoạt động khai thác tàu container tại cảng Chân Mây.
CAM KẾT ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
Đánh giá về vị trí chiến lược của cảng, ông cho rằng cảng Chân Mây trở thành một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực Miền Trung và Hành lang Kinh tế Đông Tây, giữ vai trò quan trọng như một cửa ngõ chính ra Biển Đông.
Cảng Chân Mây là cảng biển nước sâu tự nhiên có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn và còn nhiều tiềm năng để mở rộng, phát triển thành một cảng biển rộng lớn và hiện đại.
Xác định vai trò là tuyến hàng hải quan trọng của khu vực, mới đây ngày 08/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container vào cảng Chân Mây với sự tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, các hãng tàu, doanh nghiệp khai thác cảng, logisitcs, các nhà đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Hiện nay, xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container, do đây là phương thức có nhiều ưu điểm như giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kĩ thuật, năng suất lao động tăng.... “Việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực miền Trung”, ông Phương nhấn mạnh.
Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nghị quyết nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến dành khoản ngân sách 18 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các hãng tàu biển.
Cụ thể, các hãng vận chuyển container tại cảng với tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu hàng hóa container đi và đến cảng được hỗ trợ từ 800.000 - 1.100.000 đồng/container.
Nguồn bài viết : https://vneconomy.vn/khai-truong-tuyen-van-chuyen-container-noi-dia-cang-chan-may-vao-dau-thang-12-2022.htm