Sáng ngày 08/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang; ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục hàng hải, Bộ GTVT; ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương và sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, các hãng tàu, doanh nghiệp khai thác cảng, logisitcs, các nhà đầu tư.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I; trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 03 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5÷6 triệu tấn/năm. Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, Đê chắn sóng cảng Chân Mây đã được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài 450m và hiện đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dài 300m, sẽ hoàn thành vào quý I/2026; các tuyến đường giao thông kết nối đến cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư hoàn thiện. Được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, khu bến Chân Mây đã được bổ sung công năng khai thác tàu container.
Hiện nay, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4-4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ gia tăng; kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm.
Xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm (giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kĩ thuật, năng suất lao động tăng...). Việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã rất quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2021, Thừa Thiên Huế đứng 08/63 tỉnh/thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và đứng thứ 4 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); giữ ngôi vị thứ 2 về chỉ số chuyển đổi số (DTI).
Với sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Chân Mây sẽ ngày càng lớn. Vì vậy, việc mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi, lắng nghe những chia sẻ từ phía các chuyên gia và các nhà đầu tư
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các ý kiến phát biểu của các đại biểu đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chứng kiến Lễ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Bến số 04 và số 05 cảng Chân Mây, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 04 dự án và 08 văn bản chủ trương nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sau Hội nghị hôm nay, với điều kiện cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, sự quan tâm ủng hộ của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành Trung ương, chính sách thu hút tàu container của tỉnh, sẽ có nhiều hãng tàu container đến làm hàng tại cảng Chân Mây; có nhiều doanh nghiệp trong nước, cũng như nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, gia tăng lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tính đến tháng 9/2022, Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho 24 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp Tỉnh cấp 09 dự án với tổng vốn đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 5 dự án tiêu biểu:
- Dự án Bến số 4, Bến số 5 cảng Chân Mây của Công ty Cổ phần Hàng hải VSICO;
- Dự án Nhà máy chế biến bột cristobalite của Công ty Cổ phần Calacatta Huế;
- Dự án Nhà máy 2 của Công ty CP Sợi Phú Bài 2;
- Nhà máy sản xuất vật liệu gỗ thạch anh nhân tạo, gạch gốm thạch anh trang trí và sản phẩm thạch anh mỹ nghệ xuất khẩu của Công ty TNHH HGC Stone;
- Dự án Xây dựng nhà xưởng để cho thuê của Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam